Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

LỊCH SỬ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÀ RỊA -VŨNG TÀU (1945 - 2013)

LỜI NÓI ĐẦU

Bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc tử giám có đoạn viết : Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết.

Trong suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta coi trọng giáo dục, đào tạo nhân tài và xem đó là quốc sách để dựng nước và giữ nước.

Từ thế kỷ thứ X, dân tộc ta bước vào thời kì xây dựng nền độc lập tự chủ. Từ đó, nền giáo dục Nho học từng bước định hình và phát triển. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nền giáo dục Nho học đã góp phần hình thành nên nhân cách của con người Việt Nam, đào tạo nên các nhà bác học, nhà văn hoá, nhà tư tưởng, nhà giáo, thầy thuốc nổi tiếng và họ đã có những cống hiến quan trọng vào việc xây dựng nền văn hiến Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác,…

  Trong gần 80 năm thống trị dân tộc ta, thực dân Pháp thực hiện chính sách giáo dục ngu dân để giam hãm nhân dân ta trong vòng lạc hậu, mù chữ. Bên cạnh đó, Pháp mở một số trường để đào tạo đội ngũ công chức phục vụ cho bộ máy cai trị của chúng. Tuy nhiên, phần lớn những người Việt Nam được Pháp đào tạo vẫn đề cao ý thức dân tộc, yêu nước, chống Pháp và trở thành những chiến sĩ đi tiên phong trong cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hoá, giáo dục và trong phong trào giải phóng dân tộc.

  Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, giáo dục được xem là một mặt trận trong cuộc đấu tranh để giành lại nền độc lập dân tộc. Hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập (năm 1938), Đề cương Văn hoá Việt Nam ra đời (năm 1943) là những cột mốc trong cuộc đấu tranh của Đảng trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Giáo dục và Đào tạo luôn luôn là một bộ phận hữu cơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ. Ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ và kêu gọi nhân dân cả nước tham gia phong trào xoá nạn mù chữ. Cùng với cả nước, nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu tích cực hưởng ứng phong trào xoá nạn mù chữ, cải tạo nền giáo dục lạc hậu, nô dịch của chế độ cũ và xây dựng giáo dục mới mang tính khoa học, nhân văn và đại chúng.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, nhà giáo Bà Rịa – Vũng Tàu “xếp bút nghiên” lên đường tòng quân giết giặc và trong số họ, hàng trăm người đã ngã xuống vì sự nghiệp giáo dục, vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.

Từ sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khắc phục khó khăn và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trong sự nghiệp “trồng người” góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn kiên trì thực hiện đường lối giáo dục của Đảng, đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai Tốt” và xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến.

Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất hiếu học đã sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục nhiều người con thành tài và họ đã có những đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hoá – giáo dục cho quê hương, đất nước như Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản, Huỳnh Khương Ninh, Đặng Văn Dực, Dương Bạch Mai, Phạm Hữu Chí, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Văn Đường,Trần Văn Quan,…

Cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội, Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiến tạo được một nền tảng vững chắc với hệ thống trường lớp hoàn chỉnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khang trang, hiện đại; đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng và chuẩn về chất lượng đào tạo; quy mô giáo dục được mở rộng, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao; công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang nỗ lực phát huy mọi tiềm năng, tiếp tục đổi mới “căn bản, toàn diện” nền giáo dục và đào tạo để xứng đáng với niềm tin mà Đảng bộ và nhân dân giao phó. 

Để giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu qua các thời kỳ, chủ yếu là chặng đường 68 năm của nền giáo dục cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống của ngành cho đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn cuốn sách “Lịch sử Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu” (1945 – 2013).

Sở Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Cựu giáo chức tỉnh, các cơ quan ban ngành trong tỉnh, các nhà giáo lão thành cách mạng, các nhà khoa học, quý thầy cô giáo đã giúp đỡ, cung cấp tư liệu, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Ban biên tập trong quá tình sưu tầm tư liệu, biên soạn và hoàn thành cuốn sách này. Xin trân trọng cám ơn Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản Giáo dục Gia Định (Chi nhánh Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và xuất bản cuốn sách này.  

Do lần đầu tiên biên soạn nên khó tránh khỏi hạn chế và thiếu sót, Sở Giáo dục và Đào tạo mong nhận được các ý kiến đóng góp của các cơ quan ban ngành, các nhân chứng, các nhà giáo lão thành, quý thầy cô giáo và bạn đọc để lần tái bản sau hoàn thiện hơn.

Trưởng ban Tổ chức biên soạn
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Giang
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

 

PHẦN THỨ NHẤT

Chương mở đầu

KHÁI QUÁT  LỊCH SỬ, DÂN CƯ VÀ VĂN HOÁ

BÀ RỊA – VŨNG TÀU

 

I. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng Đông Nam Bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, phía đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía nam giáp Biển Đông.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 8 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh là thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức Tân Thành và Côn Đảo, diện tích 1 989,5 km2, dân số 1 011 971 người (năm 2010)[1]. Huyện Côn Đảo nằm ở phía nam Biển Đông, cách Vũng Tàu khoảng 185 km.

“Từ độ mang gương đi mở cõi”, Mô Xoài – Bà Rịa là một trong những vùng đất được người Việt di cư đến khai hoang, lập làng sớm ở Nam Bộ. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cho biết : Buổi xưa nước ta thiết lập Phủ Gia Định và trước đó đã cần phải mở xứ Mỗi Xuy (Mô Xoài – Bà Rịa), rồi thứ đến mở xứ Đồng Nai. 

Mô Xoài – Bà Rịa nằm bên các cửa sông lớn, giáp biển nên trở thành nơi dừng chân đầu tiên của lưu dân và từ đây, tiến về khai khẩn xứ Đồng Nai, Gia Định. Trong quá trình khai phá vùng đất Phương Nam, con đường Thiên lí đi qua Mô Xoài – Bà Rịa, một thời là tuyến đường giao thông chiến lược Bắc – Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc di dân, chuyển quân, thông tin liên lạc giữa triều đình Huế với vùng đất Gia Định. 

 

 

Từ đầu thế kỉ XVII, lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng[2] và Bình Định di cư bằng đường biển đến khai phá xứ Mô Xoài – Bà Rịa và trở thành chủ nhân của vùng đất này.

Mô Xoài – Bà Rịa là vùng đất địa đầu Gia Định, một thời nổi tiếng trù phú và giàu có. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có đoạn viết : Bà Rịa ở đầu biên giới Trấn Biên Hoà, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ ở phía bắc có câu ngạn rằng : “Cơm Nai – Rịa, cá Rí – Rang” là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ cũng vào trong đó.

Đến cuối thế kỉ XVII, sau một thế kỉ khai phá của người Việt, vùng đất Đông Phố (miền Đông Nam Bộ ngày nay) đất đai đã rộng được ngàn dặm, số dân hơn 4 vạn hộ. 

Trải qua quá trình khai phá của lưu dân người Việt đã biến vùng đất hoang hoá, sình lầy thành ruộng đồng tốt tươi, xóm làng trù phú, dân cư ngày một đông đông đúc. Các làng xã như Long Hương, Phước Lễ, Long Thạnh, An Ngãi, Hắc Lăng, Long Điền, Long Lập, Phước Hải, Phước Tỉnh hình thành sớm trên vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa.

 Bán đảo Vũng Tàu được khai phá muộn hơn so với vùng đất Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ. Theo tương truyền, vào thời vua Gia Long (1802 – 1819), để bảo vệ Vũng Tàu, triều đình cử ba thuyền (đơn vị nhỏ nhất của quân đội nhà Nguyễn) đến trấn giữ vùng đất này. Đến thời vua Minh Mạng, giặc cướp không còn, nhà vua giải ngũ số quân này và cho phép họ khai hoang, lập làng ở Vũng Tàu. Ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam ra đời từ đó. 

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, cùng với sự biến thiên của lịch sử, địa danh và địa giới của vùng đất Bà Rịa, Vũng Tàu có nhiều thay đổi.

- Từ năm 1698 đến năm 1945 :

 Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lấy xứ Đồng Nai lập huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn lập huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đặt phủ Gia Định để cai quản, xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay, thuở ấy thuộc huyện dinh Trấn Biên, phủ Gia Định.

Năm 1832, Trấn Biên Hòa được đổi thành tỉnh Biên Hòa. Năm 1837, nhà Nguyễn đặt thêm phủ Phước Tuy (thuộc tỉnh Biên Hòa), gồm huyện Phước An (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay), Long Thành và Long Khánh. Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay thuộc huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hoà.

Năm 1862, Pháp chia 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ thành 13 địa hạt. Năm 1867, Pháp chia tỉnh Biên Hoà thành địa 5 hạt tham biện là Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Long Thành, Bảo Chánh và Bà Rịa. Hạt tham biện Bà Rịa tương ứng với địa giới hành chính của huyện Phước An.

Năm 1895, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập thành phố tự trị Cap Saint Jacques[3].    

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi hạt tham biện (đơn vị hành chính ở Nam Kỳ) thành tỉnh. Nghị định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1900. Ngày 1 tháng 1 năm 1900, hạt tham biện Bà Rịa đổi thành tỉnh Bà Rịa.

Ngày 27 tháng 8 năm 1904, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đầu tiên về việc quản trị cấp xã ở Nam Kỳ.

Năm 1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ thành phố tự trị Cap Saint Jacques, đổi thành đại lý hành chính Cap Saint Jacques, trực thuộc tỉnh Bà Rịa; năm 1929, thành lập tỉnh Cap Saint Jacques; tháng 12 năm 1934, thành lập thành phố Cap Saint Jacques.

- Từ năm 1945 đến năm 1954 :

Ngày 10 tháng 3 năm 1947, “Chính phủ lâm thời Cộng hoà” Nam Kỳ thành lập lại tỉnh Cap Saint Jacques.

Về phía chính quyền cách mạng :

Sau khi giành được nền độc lập, chính quyền cách mạng thành lập tỉnh Bà Rịa và tỉnh Cấp (Cap Saint Jacques, Vũng Tàu)[4]. Tháng 12 năm 1945, tỉnh Cấp (Vũng Tàu) sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa và trở thành một quận của tỉnh Bà Rịa. 

Tháng 6 năm 1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ ra Nghị định thành lập tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn.

- Từ năm 1954 đến năm 1975 :  

Về phía chính quyền Sài Gòn 

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Sài Gòn hợp nhất tỉnh Bà Rịa và tỉnh Vũng Tàu[5] thành tỉnh Phước Tuy, gồm các quận Châu Thành, Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ, Vũng Tàu và Cần Giờ. Thành lập tỉnh Côn Sơn.

Tháng 9 năm 1964, chính quyền Sài Gòn cải đổi quận Vũng Tàu thành thị xã Vũng Tàu. 

Đến năm 1969, qua nhiều lần điều chỉnh, tỉnh Phước Tuy gồm các quận Long Lễ, Long Điền, Đất Đỏ, Đức Thạnh và Xuyên Mộc.

Ngày 21 tháng 4 năm 1965, chính quyền Sài Gòn bãi bỏ tỉnh Côn Sơn, thiết lập Cơ sở hành chính Côn Sơn trực thuộc chính quyền Trung ương; đến năm 1974, chuyển Cơ sở hành chính Côn Sơn thành thị xã Phú Hải trực thuộc tỉnh Gia Định. 

Về phía chính quyền cách mạng : 

Tháng 1 năm 1955, Xứ ủy Nam Bộ chia tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn thành hai tỉnh Bà Rịa và Chợ Lớn.

Từ 1954 – 1975, Bà Rịa và Vũng Tàu nhiều lần tách, nhập cùng với tỉnh Biên Hoà và Long Khánh với các tên gọi khác nhau : tỉnh Bà – Biên (Bà Rịa, Biên Hoà), tỉnh Long – Bà – Biên (Long Khánh, Bà Rịa, Biên Hoà), tỉnh Bà Rịa – Long Khánh,...

- Từ năm 1975 đến năm 2013 :

Tháng 9 năm 1976, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 164-CP thành lập huyện Côn Đảo, trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 1 năm 1977, Quốc hội nước CHXHCNVN khóa VI, kỳ 2 ban hành Nghị quyết sáp nhập huyện Côn Đảo vào tỉnh Hậu Giang.

Tháng 2 năm 1976, hợp nhất các tỉnh Biên Hoà, Long Khánh, Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu thành tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Đồng Nai bao gồm thành phố Biên Hoà, thị xã Vũng Tàu và các huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành, Duyên Hải, Châu Thành[6], Long Đất, Xuyên Mộc.

Năm 1979, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá VI, kỳ họp thứ 5 thông qua Nghị quyết thành lập đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo gồm thị xã Vũng Tàu (trước đó trực thuộc tỉnh Đồng Nai)[7] và huyện Côn Đảo (trước đó trực thuộc tỉnh Hậu Giang).

Tháng 8 năm 1991, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 9 thông qua Nghị quyết thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gồm Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc tách ra từ tỉnh Đồng Nai.  

Năm 1994, huyện Châu Thành chia thành 3 đơn vị hành chính là thị xã Bà Rịa, huyện Châu Đức và huyện Tân Thành. Năm 2003, huyện Long Đất chia thành 2 đơn vị hành chính : huyện Long Điền và Đất Đỏ.

Ngày 16 tháng 7 năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 22 tháng 8 năm 2012, Chính phủ ra Nghị quyết số  43/NQ-CP thành lập thành phố Bà Rịa trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính cấp xã (phường) của thị xã Bà Rịa.  



[1] Cục Thống kê Bà Rịa – Vũng Tàu, Niên giám Thống kê 2010, Vũng Tàu  tháng 5 – 2011.

 

[2] Vùng Ngũ Quảng bao gồm : Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi.

[3] Cap Saint Jacques (dịch ra Tiếng Việt là: mũi đất Thánh Jacques) là tên gọi của Vũng Tàu thời Pháp thuộc.

 

 

[4] Người Pháp gọi Vũng Tàu là Cap Saint Jacques (mũi đất Thánh Jacques). Du khách đi Vũng Tàu nghỉ mát, tắm biển thường dùng cụm từ “Aller au Cap” (đi ra mũi đất). Cụm từ này được rút gọn thành “Au Cap” và được Việt hóa thành Ô Cấp hay Cấp để chỉ Vũng Tàu.

 

 

[5] Từ tháng 1 năm 1956, tên gọi tỉnh Vũng Tàu thay thế cho tỉnh Cap Saint Jacques.

 

[6] Thị xã Bà Rịa và huyện Châu Đức hợp nhất thành huyện Châu Thành, thành phố Vũng Tàu trở thành thị xã Vũng Tàu.  

[7] Xã Long Sơn tách khỏi huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Nai) và nhập vào thị xã Vũng Tàu.

 

229 người đã bình chọn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin liên quan